Lì xì thì ai cũng thích, chúng ta thử xem các nước khác lì xì như thế nào?

Tục “lì xì” có xuất xứ từ Trung Quốc. Không nhất thiết phải lì xì vào ngày tết, mà vào các dịp như khai trương, sinh nhật, cưới hỏi… đều có lì xì. Lì xì mừng tuổi vào ngày tết được gọi là áp tuế tiền

Hồng bao hay lì xì

Ngày xưa, áp tuế tiền là các đồng tiền được xỏ xâu bằng những sợi chỉ đỏ, gói trong miếng vải đỏ, dành tặng cho trẻ em để trừ tà ma, yêu quái trong đêm giao thừa. Dần dần, phong tục biến đổi thành những bao lì xì đỏ như hiện nay. Chữ “lì xì” ở Việt Nam có xuất xứ từ âm đọc chữ “lợi thị” của tiếng Quảng Đông, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Cùng phong tục, nhưng người Trung Quốc, Đài Loan gọi hồng bao (bao đỏ), Hồng Kông, Macau gọi là lì xì.
Theo tích xưa, chỉ có trẻ nhỏ mới được nhận lì xì mừng tuổi nhưng hiện nay những người trưởng thành có thể lì xì lại cho cha mẹ, ông bà để tỏ lòng hiếu thảo. Theo quan niệm của người Hoa, những người đã kết hôn mới được coi là trưởng thành. Nếu chưa kết hôn, cho dù ở bất cứ độ tuổi nào vẫn có thể đường hoàng nhận lì xì.
Người Hoa rất thích màu đỏ vì màu đỏ tượng trưng cho sức sống, hạnh phúc và may mắn. Số tiền trong bao đỏ chỉ là tượng trưng để người nhận vui vẻ. Vì vậy, nếu đứng trước người tặng mà mở bao đỏ ra coi thì sẽ bị cho là vô phép. Ở Đài Loan phong tục giống như Trung Quốc, số tiền bên trong lì xì nhất định phải là số chẵn, kỵ số lẻ với ý nghĩa cát tường. Tiền này được người lớn trong gia đình phát tăng sau khi ăn cơm giao thừa.

Phiếu quà tặng và tiền mới

Người Hoa tại Singapore chiếm 75% dân số, họ rất coi trọng tết âm lịch, các tập tục truyền thống và hiện đại cùng tồn tại song song. Khi sắp đến tết, họ đều đến ngân hàng đổi tiền mới có mệnh giá từ hai đồng đến 20 đồng mới. Ngày nay, bên trong phong bì đỏ có thể chưa phiếu quà tặng, ngân phiếu, vé xe tháng, tem hoặc tiền xu, thay cho tiền giấy. Một số người Hoa trẻ ở Singapore lì xì cho cha mẹ bằng một bữa cơm tại nhà hàng hoặc một chuyến du lịch.
Người Hồng Kông quan niệm, năm mới cái gì cũng mới nên tiền trong bao lì xì cũng vậy. Năm nào đến gần tết, các ngân hàng ở Hồng Kông đều có những dòng người đứng xếp hàng chờ đổi tiền mới. Ở Macau cũng cùng quan niệm này, vì vậy mỗi năm các ngân hàng ở Macau đều in tiền mới để phục vụ tết. Vào năm 2006, chính phủ Macau khuyến nghị dùng tiền cũ bỏ trong bao lì xì.
Người Macau gọi mùng hai tết là khai niên. Theo tập tục, sau khi ăn cơm khai niên, nếu chủ gặp thợ, người lớn gặp trẻ nhỏ, người đã kết hôn gặp người chưa kết hôn đều lì xì. Trong bao lì xì luôn có số tiền biểu thị sự cát tường ví dụ như có số tám hoặc tám chữ. Tiền bỏ trong bao lì xì nhiều hay ít tùy vào mối quan hệ thân thích.
Người Hoa quan niệm, nhận bao đỏ trong ngày tết là nhận được lộc, may mắn nhằm tạo không khí tết cho gia đình đầm ấm. Vì vậy, sau tết họ thường hỏi nhau đã nhận được bao nhiêu bao đỏ chứ không hỏi đã nhận được bao nhiêu tiền. Malaysia cũng bị ảnh hưởng truyền thống lì xì của người Trung Quốc nhưng bao lì xì ở Malaysia có màu xanh lá cây. Còn bao lì xì ở Nhật có màu trắng, bên ngoài ghi tên người nhận. Người Nhật gọi lì xì là Otoshidama.
Nguồn Tk : Internet