Để tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước sẽ không in các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống.

Tại cuộc họp báo của NHNN, sáng 21-1, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ Nguyễn Chí Thành cho biết chủ trương của NHNN là không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết. Điều này nhằm hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động liên quan đến lễ hội, tín ngưỡng. “Tuy nhiên, NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015 và các năm sau”- ông Thành cho biết.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú dẫn con số, năm 2013 khi không phát hành tiền mới mệnh giá 500 đồng, ngân hàng tiết kiệm được 94 tỷ đồng. Năm 2014, NHNN không in ấn phát hành mới thêm 2 mệnh giá tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng tiết kiệm được chi phí 314 tỷ đồng. Năm 2015 nếu không đưa tiền mệnh giá 5.000 đồng vào sẽ tiết kiệm được 171 tỷ.
“Ngân hàng chủ trương không in mới và phát hành thêm tiền mệnh giá nhỏ nhưng cứ đến hẹn lại lên, tại các di tích, đình, chùa vẫn có hiện tượng đổi tiền lẻ, thậm chí người đổi tiền có những cọc tiền lẻ mới nguyên seri”- ông Tú khẳng định, hiện nay, lượng tiền mới mệnh giá nhỏ có thể vẫn còn tồn một ít tại một số các ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được đưa ra thị trường vào dịp Tết. Lượng tiền mới mà các cơ sở đổi tiền có được, có thể là do người dân giữ từ lâu và ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Thực tế, tiền mệnh giá nhỏ do giá trị không lớn nên nhiều người dân vẫn găm giữ để kinh doanh vào dịp Tết.
Phó Thống đốc cũng cho biết, đã có văn bản tới các bộ ban ngành để cùng hỗ trợ tuyên truyền. Các năm vẫn còn hiện tượng có các bàn đổi tiền, có nơi mạnh tay xử phạt có nơi chưa. Năm nay Chính phủ đã có Nghị định 96/2014/NĐ-CP, theo đó, đổi tiền là hoạt động không được phép, mức xử phạt đối với vi phạm đổi tiền ăn chênh lệch là 20-40 triệu đồng. Các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để phối hợp xử phạt các vi phạm này.
Nhiều giải pháp để tránh quá tải ATM
Liên quan đến việc đảm bảo nhu cầu rút tiền mặt và an toàn rút tiền qua ATM trong dịp tết, tại cuộc họp đại diện NHNN cho biết đã chủ động thực hiện hàng loạt các giải pháp, ban hành 3 văn bản liên quan tới ATM. NHNN cũng xem xét cho một số tổ chức tín dụng triển khai ATM di động…
Theo NHNN, đến tháng 11-2014, số lượng ATM được lắp đặt trên toàn quốc là hơn 15.900 máy, số lượng máy quạt thẻ POS đạt tới hơn 167.900 máy. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt.
Do lượng ATM phát triển lớn, thanh toán không sử dụng tiền mặt cũng gia tăng. Dịp Tết tiền lương, thưởng tăng mạnh người dân có nhu cầu rút để chi tiêu, vì vậy NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo không để ATM hết tiền. Đặc biệt là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều công nhân… Song thực tế vẫn chưa được khắc phục khi đến cận Tết, các máy ATM lại trở chứng “hết tiền”, “ngừng hoạt động”…? Về điều này ông Tú phân tích, khi máy hoạt động với công suất bình thường vẫn có những hiện tượng không mong muốn. Máy ATM cũng chỉ có một lượng tiền nhất định, việc tiếp quỹ cũng phải đảm bảo yêu cầu như cơ cấu mệnh giá, chất lượng… nên có thể có những máy hoạt động không thông suốt. “Nếu là chủ quan cần khắc phục và xử lý còn nếu là nguyên nhân khách quan cũng cần thông cảm”- Phó Thống đốc nói.
Đại diện NHNN khẳng định, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo nhu cầu tiền mặt cho người dân. Với những khu công nghiệp nhiều công nhân, có thể đến trực tiếp chuyển lương thưởng bằng tiền mặt. Hoặc hướng dẫn công nhân đến các chi nhánh trực tiếp để rút tiền mặt. Không nhất thiết phải chi trả vào ATM rồi để người dân rồng rắn chờ đợi.